Phìa Pha Mệt – lãnh chúa trị vì mường Chăm Pa đang thời hưng thịnh. Đến năm vận hạn Phìa mời thầy giỏi đến xem. Thầy rằng: Đây là tai vạ trời gieo, nếu đi trốn, tính mạng sẽ được bảo toàn, giang sơn, ngôi báu sẽ còn nguyên vẹn.

Pha Mệt cùng vợ với hai đứa con trai lìa bỏ ngai vàng đi trốn chạy hạn. Cuộc hành trình vất vả gian truân đầy thử thách với gia đình lãnh chúa. Phìa đưa vợ con luồn rừng, trèo đèo, lội suối, qua khe, áo ướt đẫm mồ hôi, tóc bù rối, bụi bặm dính đầy cổ, đầy người.

Một hôm dừng chân dưới gốc cây to, hai đứa con nhìn thấy chim mẹ mớn mồi cho con. Nhân lúc chim mẹ bay đi kiếm mồi, chúng liền vội vàng trèo lên trộm bắt chim con.

Trở về tổ, không thấy con, chim mẹ chửi rủa phát ra tiếng người: Hỡi trời phật! gia đình ta ăn ở hiền lành, chẳng có tội tình gì mà con ta bị bắt trộm. Kẻ nào bắt trộm con ta thì gia đình nó sẽ tan tác, cha lìa con, vợ lìa chồng! Pha Mệt nghe thấy vậy vội nhắc con lấy chim non trả về tổ như cũ.

Rồi cả nhà tiếp tục lên đường, Phìa đưa vợ con đi mãi, đi mãi, hái quả, ăn lá non thay bữa. Mệt đâu nghỉ đó, tối chỗ nào ngủ chỗ ấy, màn trời chiếu đất, lấy gốc cây làm nhà trú mưa nắng. Đi hơn mười, đến một buổi chiều, gặp một con sông vắng vẻ, hiu quạnh không bóng người qua lại.

Phìa bảo vợ: Nàng ở với con, ta sẽ đi chặt tre về đóng bè để vượt sông. Do thiếu ăn, sức yếu, dao cùn nên tre chặt về đóng bè được ít, không chuyển tải được cả nhà đi cùng một lúc, Phìa đành chuyển hai đứa con đi trước để lại vợ chờ đi chuyến sau.

Giữa lúc nàng một mình cô đơn, sợ hãi thì có thuyền buôn đi qua. Tên lái buôn gian giảo, xảo quyệt thấy nàng xinh đẹp, đứng một mình trên bờ, như hổ đói gặp cừu non. Lập tức hắn sai người đi bắt lấy nàng.

Nàng giẫy giụa, van xin. Tháo hoa tai, châm cài, dây đeo… để chuộc thân. Bọn côn đồ không nghe. Nàng không cưỡng nổi và bị bắt xuống thuyền. Nàng la, khóc chúng bịt mồm lại, giục thuyền chạy nhanh. Nhớ chồng thương con nàng thoi thóp như cá ngáp cạn há miệng hớp không khí.

Pha Mệt cho con lên bờ căn dặn kỹ lưỡng rồi quay về đón vợ. Tới nơi không còn thấy nàng đâu nữa. Phìa tìm ngược, tìm xuôi, hú to, gọi lớn đều im ắng, lặng ngắt.

Trong khi đó, hai đứa trẻ ở nơi xa lạ, hoang vắng sợ hãi kêu khóc ầm ỹ. Người thợ săn “Nai Pan” đi qua thấy thương đem về nhà.

Không tìm được vợ, Phìa thẫn thờ trở lại với con, nhưng tìm con cũng không thấy, không biết hổ ăn hay người bắt.

Mất vợ, mất con chỉ còn một thân, một mình. Pha Mệt đau khổ, sống dở, chết dở. Từ một người lãnh chúa oai phong bỗng trở thành kẻ ăn mày, cô đơn. Đường sống chết hai ngả liền kề, hiện ra trước mắt. Chết thì nhẹ nhõm nhưng chưa làm tròn trách nhiệm của người trần gian. Sống thì khổ cực trăm bề nhưng biết đâu thời thế xoay vần mai sau lại được tái hồi như xưa.

Pha Mệt quyết sống không thể buông xuôi cuộc đời. Phìa gắng sức, lê từng bước, giữ cho hồn không rời khỏi thân xác, ổn định lại tinh thần tiếp tục trên đường đi trốn hạn. Đi tám ngày cật lực nữa mới tới mường Luông.

Cánh đồng Mường Luông bát ngát, mênh mông. Đường đi thẳng tắp, cau, dừa hai bên. Dòng sông nước chảy lững lờ, long lanh soi bóng nhấp nhô toà nhà. Phố xá trù phú, chợ búa kẻ mua người bán tấp nập, đông vui.

Mường Luông phong cảnh hữu tình, nỗi nhớ nhung vợ, con càng thêm da diết. Pha Mệt tìm đến trú tại một ngôi đền nhỏ, thanh vắng. Cô đơn, hiu quạnh, màn trời chiếu đất, quần áo rách rưới, ngày ngày lang thang đầu đường xó chợ xin làm việc, kiếm ăn.

Xuân qua hạ đến, thấm thoắt đã tám năm trời bơ vơ đất khách quê người, mỗi khi nhớ đến nhà, vợ con ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa.

Chúa mường Luông già yếu băng hà. Hội đồng bô lão cùng nhau bàn bạc chọn người kế vị. Trong hoàng tộc con cháu cũng có, nhưng chẳng có ai có đủ tài đức xứng đáng đảm đương việc mường. Sợ giang sơn xã tắc không yên hàn bền lâu, Hội đồng bô lão thống nhất mời thầy bói chọn người kế vị.

Thầy rằng: Có người lánh nạn tha hương đến đây cư trú đã lâu. Nếu mời người này lên làm chúa thì bản mường sẽ hưng thịnh yên hàn.

Các bô lão hỏi: người ấy hiện ở đâu? hình thể, tư thế, dáng vóc thế nào? Thầy bói nói: Người đó mạnh khoẻ, to cao, vẻ ung dung thư thái, dáng dấp như lãnh chúa.

Hội đồng cho người đi tìm khắp nơi trong mường. Đến ngày thứ bảy mới gặp một người đi trên đường phố ăn mặc rách rưới, nhưng mặt mày tuấn tú khôi ngô, thông hiểu lễ nghĩa, nói năng khiêm nhường. Các bô lão cử người đến gặp thăm dò, Pha Mệt từ chối: Thân hèn sức mọn sợ không đáp ứng được trọng trách được giao. Nài nỉ mãi, Pha Mệt mới nhận lời Hội đồng bô lão.

Chọn ngày lành tháng tốt dân mường đến rước Pha Mệt lên làm chúa thượng mường Luông. Từ một người tha hương, phải xin ăn kiếm sống qua ngày, bỗng trở thành lãnh chúa của một mường rộng lớn. Pha Mệt sống trong cung điện có kẻ hầu người hạ, của cải, châu báu, vàng bạc đầy kho. Nhưng nỗi nhớ nhung vợ con day dứt trong lòng không nguôi.

Tin Pha Mệt được mời làm lãnh chúa mường Luông lan đi khắp nơi. Người thợ săn lấy hai đứa trẻ lạc về nuôi, thấy chúng khôn ngoan, mạnh khoẻ, dễ thương. Nếu có người dạy bảo sau này chắc sẽ làm được việc lớn. Một hôm Nai Pan dâng hai anh em cho Pha Mệt. Xin lãnh chúa giúp đỡ dạy bảo cho nên người.

Thương Nai Pan, Pha Mệt cho hai anh em làm người hầu ở gần để sai bảo. Pha Mệt lên làm chúa thượng, Mường Luông ngày càng hưng thịnh, tàu thuyền chật bến, chợ búa đông nghịt những người, phố xá không ngớt voi, ngựa.

Một hôm, tên lái buôn giàu có, muốn tranh thủ cảm tình của chúa, mang của cải đến mường để ủng hộ việc chung. Chúa vui lòng nhận và sai người mở tiệc thết đãi. Bữa ăn vui mừng kéo đến hoàng hôn. Lái buôn tỏ vẻ sốt ruột không an tâm! Pha Mệt hỏi: ngươi có việc gì không yên?

Lái buôn thưa: ở thuyền còn có vợ và nhiều của cải, sợ có điều bất chắc xảy ra?

Pha Mệt cho gọi hai anh em mà Nai Pan đem đến vào, rồi bảo: chúng bay đi coi thuyền cho lái buôn.

Trăng thanh gió mát, hai anh em đứng trên mạn thuyền tâm sự: người em hỏi anh: Nai Pan có phải họ hàng bà con ta không? Anh trả lời: không phải! Em lại hỏi: Sao vợ chồng Nai Pan lại hết lòng nuôi nấng, chăm sóc cho ta chu đáo thế. Anh nói: Họ thương mình lạc bố mẹ nên thế thôi. Em lại hỏi tiếp: Bố mẹ ta là ai? Có còn sống không? Anh trả lời: Bố ta là Pha Mệt lãnh chúa mường Chăm Pa nổi tiếng. Đến năm vận hạn bố mẹ đem ta tạm lánh đi nơi khác, không may ta lạc bố mẹ trong lúc qua sông. Người thợ săn thương hại đem ta về nuôi; từ đó không biết bố mẹ còn sống hay đã chết.

Bà chủ thuyền nghe thấy, biết đây chính là con mình, chạy ra ôm chầm lấy hai con khóc nức nở. Có người nhìn thấy không rõ đầu đuôi vì sao bà chủ thuyền lại ôm hai người con trai khóc; liền bẩm lên chúa. Pha Mệt tức giận sai lính bắt về chém.

Vợ lái buôn theo gót hai con đến sân rồng. Bà ôm hai con khóc lóc van xin: Mẹ con chúng tôi đi trốn hạn lạc nhau đã hơn chín năm ròng. Nay gặp lại nên ôm nhau khóc, chứ hai con tôi không có tội tình gì tội tình gì!

Quan sai vào bẩm báo, Pha Mệt ra xem, nhận ra người vợ và các con, chạy đến ôm lấy cả ba. Sau gần mười năm lưu lạc mỗi người một ngả, gia đình Pha Mệt mới có ngày được đoàn tụ.

Tên lái buôn có tội bắt cóc, ức hiếp người vợ đã có chồng bị xử trảm. Nai Pan có công giúp đỡ người hoạn nạn được ban thưởng của cải châu báu.